BÀI VIẾT MỚI
Showing posts with label Kinh tế. Show all posts
Showing posts with label Kinh tế. Show all posts

Vụ bắt giam "đại gia" Trịnh Sướng: Bán hàng chục triệu lít xăng giả ra thị trường

Các đối tượng khai đã chi khoảng 3.000 tỉ đồng để mua dung môi làm xăng giả; bình quân mỗi tháng, các doanh nghiệp sản xuất và buôn bán xăng giả tung ra thị trường 6 triệu lít
Ngày 6-6, Công an tỉnh Đắk Nông tổ chức họp báo công bố kết quả điều tra ban đầu của vụ án "Sản xuất, buôn bán hàng giả" là xăng ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Đặc biệt nghiêm trọng

Thượng tá Phạm Thanh Bình, Trưởng Phòng Tham mưu Công an tỉnh Đắk Nông, cho biết qua trinh sát, Công an tỉnh Đắk Nông phát hiện đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và một số tỉnh, thành với thủ đoạn rất tinh vi, nên xác lập chuyên án mang bí số 018SM để điều tra.

Căn cứ tài liệu chứng cứ thu được, ngày 13-3, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 9 đối tượng về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Các đối tượng này đều ngụ ở tỉnh Đắk Nông và tỉnh Đồng Nai.

Quá trình đấu tranh và công tác điều tra nhận thấy đây là một vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra tại nhiều tỉnh, thành nên Công an tỉnh Đắk Nông báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an để xin ý kiến chỉ đạo. Bộ trưởng Bộ Công an đã thành lập ban chuyên án, do Thứ trưởng Lê Quý Vương làm trưởng ban, giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông cùng nhiều cục trưởng của bộ này tham gia làm phó ban.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ triển khai đồng bộ biện pháp xác minh, làm rõ phương thức, thủ đoạn của các đối tượng. Từ ngày 28-5 đến 2-6, ban chuyên án đã chỉ đạo các tổ công tác phối hợp Cục Cảnh sát Kinh tế, Cục CSGT… bắt quả tang các đối tượng đang thực hiện hành vi pha trộn dung môi với chất kích RON, bột màu tạo thành xăng giả.

Lực lượng công an khám xét tại 6 địa điểm là nơi các đối tượng đang tổ chức pha trộn và cất giấu dung môi, các chất pha trộn thành xăng giả ở TP HCM, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng. Từ đó, tạm giữ trên 3 triệu lít dung dịch các loại, trong đó có hơn 2 triệu lít hỗn hợp đã pha chế thành xăng giả, trên 430.000 lít dung môi chưa pha, 3 tàu thủy, 6 xe bồn, 5 máy bơm...

Bắt giam "đại gia" Trịnh Sướng và 22 đối tượng khác

Từ các chứng cứ thu thập được, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã tiếp tục khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với 14 bị can, chủ yếu ngụ

TP HCM, nâng tổng số lên 23 bị can. Trong đó có "đại gia" xăng dầu Trịnh Sướng - Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty Mỹ Hưng (Sóc Trăng).

Thông tin thêm về vụ án, đại tá Lê Vinh Quy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, cho biết trước đó, Công an tỉnh Đắk Nông phát hiện có 3 cơ sở tiêu thụ xăng giả tại huyện Đắk R’lấp, huyện Đắk G’long và thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) rồi mở rộng chuyên án. Ngoài Công ty Mỹ Hưng, công an còn bắt quả tang một số doanh nghiệp như Công ty TNHH A Quang của Nguyễn Ngọc Quang (SN 1970, ngụ TP HCM), Công ty TNHH Đinh Chí Dũng của Đinh Chí Dũng (SN 1979, ngụ TP HCM), Công ty TNHH Gia Thành (ở Sóc Trăng)... cũng có hành vi sản xuất và buôn bán xăng giả.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động về mối liên hệ giữa Công ty Mỹ Hưng của "đại gia" Trịnh Sướng với các công ty sản xuất xăng giả khác, đại tá Lê Vinh Quy cho biết 23 đối tượng bị khởi tố là thuộc nhiều công ty chứ không riêng gì công ty của ông Trịnh Sướng. Tuy nhiên, cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục làm rõ các công ty này có mối liên kết gì hay không.
Các mẫu tang vật được công bố tại họp báo
Xăng giả được pha chế ra sao?

Đại tá Lê Vinh Quy cho biết các doanh nghiệp pha chế, sản xuất xăng giả hoạt động khép kín, kho chứa không bảng hiệu, quá trình pha chế diễn ra rất nhanh, có người cảnh giới, người lạ không thể tiếp xúc nên lực lượng công an gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận, bắt quả tang. Đặc biệt, Công ty Mỹ Hưng dùng tàu cỡ lớn để vận chuyển dung môi bằng đường thủy. Khi cập bến, các đối tượng nhanh chóng bơm xăng A95 thật xuống tàu để pha trộn, sản xuất xăng giả.

Về phương thức pha trộn, theo đại tá Lê Vinh Quy, các đối tượng sử dụng dung môi sản phẩm trong quá trình chưng cất của dầu mỏ, có chỉ số octan (RON) rất thấp, rồi pha với xăng A95 và chất tạo màu thành xăng giả. Cụ thể, sử dụng dung môi trộn với 30%-50% xăng A95 thật và chất tạo màu để tạo ra xăng A95 giả rồi tung ra thị trường.

Cũng theo đại tá Lê Vinh Quy, các đối tượng khai từ năm 2017 đến nay đã chi khoảng 3.000 tỉ đồng để mua dung môi. Mỗi tháng, các cơ sở tung ra thị trường 6 triệu lít xăng giả, tiêu thụ tại nhiều địa phương như: Đắk Nông, Đắk Lắk, TP HCM, Sóc Trăng, Khánh Hòa...

Đại tá Lê Vinh Quy cũng nói cơ quan chức năng đã kết luận có khoảng 100 mẫu xăng giả có hàm lượng methanol, hydrocarbon vượt quá quy định. Việc người tiêu dùng mua phải xăng giả khi sử dụng sẽ làm cho hiệu suất động cơ giảm, có thể gây hư hỏng động cơ hoặc cháy nổ.

"Thực tế đã xảy ra cháy nổ rất nhiều phương tiện và đây có thể là một trong số nguyên nhân. Hiện Công an tỉnh Đắk Nông đã báo cáo Bộ Công an thông báo cho công an toàn quốc rà soát lại các phương tiện cháy nổ trong 3 năm gần đây để làm rõ có phải do xăng giả hay không" - đại tá Lê Vinh Quy kết luận và cho biết chuyên án vẫn đang trong quá trình mở rộng điều tra.
Trinh sát trong thời gian dài
Để triển khai chuyên án mang bí số 018SM, Công an tỉnh Đắk Nông đã cử khoảng 100 cán bộ, chiến sĩ phối hợp các lực lượng của Bộ Công an tiến hành trinh sát trong thời gian dài, vừa để đạt mục tiêu triệt xóa được nhiều công ty, doanh nghiệp sản xuất xăng giả vừa phải bắt quả tang quá trình pha chế tạo ra xăng giả.
Trước thành tích này, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã khen thưởng các lực lượng tham gia chuyên án.
Công ty TNHH Gia Thành từng bị phạt 50 triệu đồng
Công ty TNHH Gia Thành do em vợ ông Trịnh Sướng đứng tên (thực chất là của ông Sướng) từng bị Công an tỉnh Sóc Trăng phạt 50 triệu đồng vì "Mua bán xăng dầu với các đối tượng ngoài hệ thống phân phối".
Vụ việc xảy ra vào rạng sáng 27-6-2015. Khi đó, trinh sát của Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Sóc Trăng phối hợp lực lượng CSGT đường thủy phát hiện trên sông Hậu có tàu mang tên Đông Hải, tải trọng lớn neo đậu và bơm xăng cho một tàu khác. Kiểm tra giấy tờ, cơ quan chức năng xác định Công ty Gia Thành mua 2 triệu lít xăng theo hóa đơn từ Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Hoàng Lê Khang (gọi tắt là Công ty Hoàng Lê Khang; trụ sở tại xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn, TP HCM) rồi thuê tàu Đông Hải của một doanh nghiệp khác để chở hơn 1,2 triệu lít xăng A92 từ kho cảng Nhà Bè (TP HCM) về Sóc Trăng.
Theo giấy phép đăng ký kinh doanh, Công ty Hoàng Lê Khang có đăng ký mua bán xăng dầu nhưng không phải là đại lý hay tổng đại lý xăng dầu nên không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu. Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Sóc Trăng sau đó kết luận Công ty Hoàng Lê Khang không có kho bãi, chi nhánh hay cửa hàng xăng dầu nên không cần thiết phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu. Do đó, không xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty Hoàng Lê Khang mà cho làm cam kết.
Đối với Công ty TNHH Gia Thành, doanh nghiệp này có ký hợp đồng làm tổng đại lý cho chi nhánh của Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM tại Cần Thơ (Saigon Petro) nên việc mua bán xăng dầu với Công ty Hoàng Lê Khang là sai quy định, bị phạt 50 triệu đồng.
PH.Khê
Bài và ảnh: Cao Nguyên || nld.com.vn

Tổng thống Mỹ tuyên bố: Các công ty sẽ rời Trung Quốc để sang Việt Nam

Phản ứng với đòn trả đũa của Bắc Kinh trong cuộc chiến thuế quan, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thẳng thừng tuyên bố: Các công ty sẽ rời bỏ Trung Quốc để sang Việt Nam.
Cách đây ít giờ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những dòng trên Twitter khẳng định rõ lập trường trừng phạt kinh tế với Trung Quốc bằng các biện pháp thuế quan.

Ông cho biết: “Không có lý do gì để người tiêu dùng Mỹ trả tiền vì thuế quan mới, có hiệu lực đối với Trung Quốc lúc này. Điều này đã được chứng minh gần đây khi chỉ có 4 điểm Mỹ phải trả, 21 điểm dành cho Trung Quốc vì Trung Quốc trợ cấp sản xuất ở mức độ rất lớn. Ngoài ra, thuế quan...”

Rồi ông viết về cách tránh phải trả thuế: “...có thể tránh hoàn toàn nếu bạn mua từ Quốc gia không chịu Thuế quan, hoặc bạn mua sản phẩm bên trong Mỹ (ý tưởng tốt nhất). Đó là thuế quan Zero. Nhiều công ty chịu thuế sẽ rời Trung Quốc sang Việt Nam và các nước như vậy ở châu Á”.
Cần lưu ý trong tuyên bố về gợi ý địa điểm cho các công ty chịu thuế rời khỏi Trung Quốc, ông Trump chỉ nêu đích danh duy nhất Việt Nam. Dường như Việt Nam để lại ấn tượng rất tốt trong tâm trí của Donald Trump nên khi viết twitter trong tâm trạng thoải mái là ông nhớ ngay đến Việt Nam để viết chứ không viết Thái Lan hay Indonesia...

Từ khi lên làm Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã thay đổi thái độ của nước Mỹ đối với Trung Quốc. Các tổng thống tiền nhiệm tỏ ra quá nuông chiều, ưu ái Trung Quốc dẫn đến việc hàng giá rẻ Trung Quốc tràn ngập thị trường Mỹ gây thâm hụt thương mại song phương. Còn Tổng thống Trump đã có các chính sách cứng rắn để điều chỉnh thâm hụt này.

Hồi tháng 3 năm ngoái, ông đã tuyên bố nâng thuế 25% đối với 50 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc và lời tuyên bố có hiệu lực vào tháng 6 năm ngoái. Ngày 10.5 vừa qua, Mỹ tiếp tục áp thuế từ 10 lên 25% đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc. Phía Trung Quốc vừa phản ứng bằng cách tuyên bố từ ngày 1.6 họ sẽ đánh thuế nhiều loại hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ lên mức 20% hoặc 25% từ mức áp thuế 10% trước đây. Tổng giá trị số hàng hóa Mỹ bị đánh thuế lên tới 60 tỉ USD.

Tuy nhiên, điều này không làm ông Trump lo ngại cho dù có những phản ứng tiêu cực ban đầu từ thị trường chứng khoán Mỹ. Phản ứng của ông Trump chính là thái độ rất bề trên được thể hiện trên twitter: “Các công ty chịu thuế sẽ rời Trung Quốc sang Việt Nam”.

Trước đó, ông Trump cũng trấn an nông dân Mỹ - những người lo ngại việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc bị ảnh hưởng. Tổng thống Mỹ tuyên bố số tiền thu được từ việc nâng thuế quan sẽ dùng để để mua hàng nông sản của Mỹ, sau đó sẽ được sử dụng cho "hỗ trợ nhân đạo".

Bên cạnh đó, ông Trump cũng cảnh báo Trung Quốc mình còn nhiều quân bài tẩy khác để Bắc Kinh điêu đứng. Hồi cuối tuần trước, ông Trump cho biết đang khởi động quá trình để nâng nốt mức 25% với hơn 325 tỉ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc.

Trong cuộc chiến trên sòng bài thế giới, tay chơi Trump rõ ràng là một cáo già ma mãnh và lại có dầy vốn trong tay. Những phản ứng của Trung Quốc dường như mang tính chất phản kháng lấy lệ để giữ thể diện. Nếu đủ bài trong tay, sao Trung Quốc không áp lại thuế với 200 tỉ USD hàng hóa Mỹ cho tương xứng? Thực sự Trung Quốc đã dốc gần hết vốn. Số lượng hàng xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc chỉ khoảng 120 tỉ USD mà Trung Quốc đã tuyên bố áp đặt thuế 25% với 110 tỉ USD (50 tỉ USD đợt trả đũa lần trước + 60 tỉ USD vừa tuyên bố). Nếu áp đặt nốt với 10 tỉ USD còn lại cũng không đáng kể so với số hàng hóa Trung Quốc có thể chịu thêm thuế từ Mỹ. Giả sử giờ Mỹ tuyên bố chỉ cần áp dụng thêm việc tăng thuế với 20 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc thì tay chơi Trung Quốc cũng không còn "tiền" để "theo" nữa vì hết vốn.

Nhắc lại về bước tính xa của ông Trump

Một số người Mỹ sẽ chịu tác động xấu từ chiến tranh thương mại, đó là điều không thể tránh khỏi vì luôn có "thương vong trong chiến tranh". Để đánh bại đối thủ và thiết lập được trật tự mới thì bạn phải trả cái giá không dễ chịu chút nào, nhất là khi đối đầu với một đối thủ nặng ký.

Nhìn xa hơn, nếu ông Trump không phát động chiến tranh thương mại thông qua việc nâng thuế để dồn ép Trung Quốc thì tình trạng mất cân bằng thương mại giữa hai nước sẽ ngự trị mãi và các quy tắc sở hữu trí tuệ của Trung Quốc gây hại cho Mỹ sẽ không bao giờ thay đổi.

Ngoài ra, cuộc chiến thương mại còn là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Đây chính là điều mà các chuyên gia Trung Quốc nhận định trong lúc thế giới phương Tây ngày càng lo lắng về ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới. Tổng thống Donald Trump muốn "nước Mỹ trên hết" thì ông phải kiếm chế Trung Quốc.

Anh Tú || motthegioi.vn

Chuẩn bị thông xe cầu Vàm Cống

Chiều 8-5, UBND TP Cần Thơ cùng đại diện Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long đã có buổi làm việc chuẩn bị cho công tác khánh thành cầu Vàm Cống (ảnh).

Đại diện Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long - chủ đầu tư dự án cầu Vàm Cống, cho biết, cầu sẽ được thông xe vào khoảng giữa tháng 5-2019. 
Cầu Vàm Cống được thiết kế là cầu dây văng bắc qua sông Hậu, nối liền quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) và huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp). Công trình có ý nghĩa rất lớn trong việc kết nối hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL (khởi công tháng 9-2013).

Cầu có chiều dài 2,97km, phần cầu vượt sông dài 870m và đường dẫn dài 2km, quy mô 6 làn xe (4 làn ô tô và 2 làn xe máy). Vào tháng 11-2017, đã xảy ra sự cố nứt dầm ngang CB6 trên đỉnh trụ P29 phía Cần Thơ và dầm ngang CB 6 trên đỉnh trụ P28 phía Đồng Tháp. Do đó, kế hoạch thông xe cầu vào đầu năm 2018 bị đình trệ để sửa chữa cho đến nay.

P. THANH - T. QUANG || saigondautu.com.vn

Cả đêm bì bõm bắt cá kêu cóc cóc ở sông Hậu, bán 130-200 ngàn/ký

Ngư dân giăng lưới đêm trên sông Hậu (đoạn chảy qua huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) bắt dính nhiều cá cóc, loại từ 1-3kg/con. Hiện nay, cá cóc- loài thủy sản nước ngọt này được xem là đặc sản, thịt thơm ngon, bổ dưỡng. Cá cóc được các quán ăn, nhà hàng thu mua mạnh nên có giá dao động từ 130.000- 200.000 đồng/kg (loại trên 1kg/con).

Anh Nguyễn Ngọc Lợi (ngư dân chuyên giăng lưới cá cóc, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) cho biết, nguồn cá cóc xuất hiện trên sông Hậu xuyên suốt trong năm nên việc khai thác, đánh bắt loài cá đặc sản này thuận lợi. Hàng đêm, anh Lợi xuất bến, giăng lưới dính 3-4 con cá cóc (loại từ 2kg/con), bán cho bạn hàng với giá 130.000 đồng/kg, thu nhập trên 300.000 đồng.
Ảnh minh họa.
Theo chị Vân, một bạn hàng tại chợ An Châu (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang), cá cóc loại lớn được các nhà hàng tại TP. Long Xuyên và TP. Cần Thơ mua mạnh. Mỗi buổi sáng, chị thu mua của ngư dân từ 10-20 con cá cóc cỡ lớn.

Những bến cá thu hút ngư dân đến khai thác mạnh, tập trung tại khúc sông Vàm Nao và khu vực thị trấn An Châu (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang). Trung bình mỗi đêm có từ 30-40 đầu xuồng đến đây khai thác cá, tôm các loại.

Theo TTMT

Lạ đời: Bật nhạc cho dê nghe, mỗi tháng vắt 75 triệu tiền sữa

Sau gần 10 năm nuôi, hiện đàn dê cho nghe nhạc của gia đình anh Nguyễn Văn Đua, ở ấp 2B, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang) đã tăng lên được 200 con, trong đó có 100 con chuyên lấy sữa. Với số lượng dê lấy sữa trên, mỗi ngày gia đình lấy được từ 40-60 lít sữa tươi, riêng những tháng cao điểm có khi được 80 lít sữa/ngày, với giá bán từ 45.000-50.000 đồng/lít sữa tươi chưa thanh trùng. Bình quân mỗi tháng gia đình anh Đua thu về 75 triệu đồng.

Mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm, cộng niềm đam mê và sự cần cù trong sản xuất nên anh Nguyễn Văn Đua, ở ấp 2B, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang), được nhiều người biết đến với mô hình nuôi dê lấy sữa đang mang lại nguồn thu nhập cao.
Mô hình nuôi dê lấy sữa và thịt của gia đình anh Đua đang cho hiệu quả kinh tế cao.
Chia sẻ cơ duyên đến với nghề nuôi dê lấy sữa, anh Đua cho biết, anh xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, lại đông anh em và ruộng đất lại ít. Khi lập gia đình và mới ra riêng thì bản thân cũng không biết trồng cây gì, nuôi con gì để cải thiện cuộc sống gia đình và thoát nghèo.

Nhưng với quyết tâm vươn lên làm giàu chính đáng, bản thân anh cũng thử kinh qua nhiều nghề như: nuôi ba ba, nuôi nhím, chim bồ câu gà…Những vật nuôi này tuy có hiệu quả kinh tế nhưng nguồn thu nhập không cao.

Tình cờ một lần được người quen giới thiệu và tìm tòi trên mạng Internet nên sau nhiều năm học hỏi, nghiên cứu thử nghiệm và thấy mô hình nuôi dê lấy sữa, nuôi dê lấy thịt phù hợp nên anh bàn cùng gia đình và sau đó quyết định làm theo mô hình này cho đến nay.
Điều khá thú vị khi chúng tôi đến thăm chuồng dê nhà anh Đua là lúc nào cũng có tiếng nhạc phát ra và theo anh Đua thì cho đàn dê nghe nhạc là một trong những bí quyết để nuôi dê thành công.

Với số vốn ban đầu hơn 100 triệu đồng, cùng 6,5 công đất ruộng, anh Đua lên liếp cao để trồng cỏ cao sản làm nguồn thức ăn cho dê, đồng thời cất chuồng trại để mua dê giống về thả nuôi.

Do vốn ít nên lúc đầu đàn dê của anh chỉ có 12 con dê cái chuyên lấy sữa và 3 con dê đực.Đây là giống dê được anh Đua kỳ công đặt mua từ Trung tâm nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây, thuộc Trung tâm giống Quốc gia (Hà Nội).

Sau gần 10 năm nuôi, hiện đàn dê của gia đình anh Đua đã tăng lên được 200 con, trong đó có 100 con chuyên lấy sữa, đồng thời phát triển diện tích nuôi gần 1,8ha.

Với số lượng dê lấy sữa trên, mỗi ngày gia đình anh Đua lấy được từ 40-60 lít sữa tươi, riêng những tháng cao điểm có khi được 80 lít sữa/ngày, với giá bán từ 45.000-50.000 đồng/lít sữa tươi chưa thanh trùng. Để nâng cao giá bán của mặt hàng sữa, anh Đua đã đầu tư máy thanh trùng tại nhà và sữa sau khi được thanh trùng thì giá bán được nâng lên 80.000 đồng/lít.

Hiện sữa dê thanh trùng của gia đình anh Đua đã được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hậu Giang cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Nhờ có thương hiệu và an toàn vệ sinh thực phẩm nên được nhiều khách hàng biết đến và hiện đã có mặt tại một số thành phố lớn như: Cần Thơ, Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Hiện tại, ngoài cung cấp cho thị trường sữa dê thanh trùng thì dự kiến tới đây anh Đua còn cho ra thị trường một số sản phẩm từ dê như: sữa dê - ca cao, sữa dê - cà phê, yaourt sữa dê, pho mát sữa dê…

Các sản phẩm sữa dê này sẽ được anh Đua đưa đi tiêu thụ tại các trường mẫu giáo, tiểu học để các cháu được tiếp cận với nguồn sữa tốt nhất trên quê hương mình.

Ngoài sữa dê thì hàng năm anh Đua còn xuất chuồng bán dê thịt (dê đực) trên 1 tấn, giá bán mỗi ký dao động từ 85.000-100.000 đồng, từ đó góp phần giúp gia đình tăng thêm nguồn thu nhập.

Nói về kỹ thuật nuôi dê, kinh nghiệm nuôi dê, anh Đua cho biết thêm: “Dê là động vật nhai lại và ăn được rất nhiều loại cỏ, lá cây và các phụ phẩm từ nông nghiệp như: bắp, rơm, cây chuối, cám gạo,… trong khi đây là nguồn thức ăn khá dồi dào tại địa phương. Do đó, nuôi dê rất nhẹ công chăm sóc, vốn đầu tư ít nhưng cho thu nhập nhanh...".

Theo anh Được, dê là loài đẻ nhiều (2 năm 3 lứa), ít bị bệnh, cho nhiều thịt và sữa. Vì vậy, chỉ cần tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp là chúng ta có thể nuôi dê cho thu nhập cao, nhất là phù hợp với những hộ nghèo, ít đất sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa, cho hay: Từ hiệu quả của mô hình nuôi dê lấy thịt và sữa của anh Đua mang lại, dự kiến trong năm 2019 này, địa phương sẽ phối hợp với UBND huyện Châu Thành A và các đơn vị liên quan thực hiện kế hoạch hỗ trợ cho những hộ nghèo, cận nghèo mượn dê giống và sẽ thu mua sữa dê cho bà con, qua đây giúp bà con có thêm nguồn thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo. Mặt khác, việc nhân rộng mô hình sẽ tạo được nguồn sữa dê dồi dào nhằm đáp ứng nhu cầu của những đơn đặt hàng lớn…

Theo Hữu Phước (Báo Hậu Giang)

Cấm kinh doanh rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên trên Internet: Có thực hiện được không?

Theo Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia sẽ cấm hoạt động kinh doanh rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên trên Internet. Tuy nhiên, còn có nhiều ý kiến cho rằng, quy định này khó khả thi vì việc kinh doanh này chống được buôn lậu, hàng giả và quản lý được thuế.
Tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu, bia ngày 16.1.2018, một số đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự băn khoăn về tính thiếu khả thi của quy định cấm bán rượu, bia trên Internet (Ảnh minh họa).
Cho phép nhưng có kiểm soát

Hiện nay nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đều cho phép kinh doanh đồ uống có cồn trên Internet. Từ những nước có tỉ lệ tiêu thụ đồ uống có cồn rất cao như các nước trong khối Liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc cho đến những nước theo đạo Hồi có tỉ lệ tiêu thụ đồ uống có cồn rất thấp như Malaysia, Indonesia hay những nước có thị trường rượu, bia rất nhỏ như Campuchia hay Singapore đều đang cho phép kinh doanh đồ uống có cồn trên Internet mà không biệt nồng độ cồn trong sản phẩm.

Hình thức kinh doanh này giúp ngăn chặn những đối tượng chưa đủ tuổi sử dụng đồ uống có cồn, vì việc mua hàng đòi hỏi người mua phải thanh toán bằng thẻ tín dụng mà những đối tượng chưa đủ tuổi không thể đáp ứng được. Ngoài ra, thương mại điện tử sẽ nâng cao tính minh bạch và thu thuế, khi các giao dịch đều được thanh toán bằng thẻ ngân hàng hoặc chuyển khoản. Đồng thời, giúp đẩy lùi và ngăn chặn các loại rượu nhập lậu, rượu giả, rượu bất hợp pháp.

Bên cạnh những biện pháp kiểm tra độ tuổi của người mua hàng, các trang thương mại điện tử có bán rượu, bia cũng phải cung cấp các thông tin đầy đủ và chính xác về sản phẩm như nguồn gốc xuất xứ, nồng độ cồn, chủng loại, nhà nhập khẩu hoặc phân phối được cấp phép, và những thông tin chỉ dẫn hướng dẫn sử dụng rượu một cách có trách nhiệm nhằm giúp khách hàng lựa chọn sản phẩm phù hợp.

Ngoài ra, thương mại điện tử cũng giúp cho Chính phủ theo dõi và thu thuế tốt hơn vì dữ liệu các giao dịch thường được lưu lại và thanh toán thường được thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng.

Liệu có khả thi?

Mới đây tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu, bia ngày 16.1.2018, một số đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự băn khoăn về tính thiếu khả thi của quy định cấm bán rượu, bia trên Internet.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Quyền, đoàn đại biểu Cần Thơ cho rằng quy định không được bán rượu, bia trên mạng internet là không hợp lý, khó khả thi trong thời đại 4.0 thương mại điện tử phát triển mạnh. Theo đại biểu này, việc bán rượu bia trên mạng tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nắm bắt được chất lượng thật của rượu bia, cũng như địa chỉ chịu trách nhiệm về sản phẩm bán ra.

Cùng đó, đại biểu Hà Thị Lan, đoàn đại biểu Bắc Giang cũng đề nghị nên cân nhắc bởi vì quy định này không phù hợp với trào lưu phát triển của thương mại điện tử. Hơn nữa, tính khả thi của quy định này là không cao. Đề nghị thay vì cấm thì nên bổ sung quy định về các điều kiện chặt chẽ, kèm theo việc bán rượu, bia trên Internet như thế nào để phù hợp hơn.

Trên thực tế, quy định cấm bán rượu từ 15 độ cồn trở lên đã được Chính phủ quy định tại Nghị định 105/2017/NĐ- CP về sản xuất và kinh doanh rượu, tuy nhiên người tiêu dùng hiện nay có thể dễ dàng mua rượu trên Internet khi hành vi bán mặt hàng này vẫn còn nhan nhản trên các trang web, các trang mạng xã hội.

Tất cả những trang web, mạng xã hội này đều không phải đại diện hợp pháp của các Cty kinh doanh rượu bia, và đang vượt ra ngoài sự quản lý của các cơ quan chức năng. Vì không ít người người tiêu dùng đã mua phải các sản phẩm rượu giả, rượu không có nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu hoặc có chất lượng kém có thể gây hại cho sức khỏe của người sử dụng.

MINH HẠNH(laodong.vn)

Lương công chức sau cải cách có thể lên tới 33 triệu đồng một tháng

Các phương án điều chỉnh tiền lương được trình ra Hội nghị Trung ương 7 đều lấy mức lương thấp nhất của công chức, viên chức là 4,14 triệu đồng. Đáng lưu ý, một trong các phương án thì lương công chức có thể đạt mức 33,4 triệu đồng/tháng, ở mức chuyên gia cao cấp bậc 3.
Các đại biểu tham dự Hội nghị Trung ương 7 Khóa 12
Ban cán sự Đảng Chính phủ vừa trình đề án cải cách chính sách tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Theo đó, phương án tăng lương cụ thể cho khối cán bộ, công chức đã được nêu rõ để xin ý kiến Trung ương quyết định.

Tờ trình nêu rõ mức tiền lương thấp nhất của khu vực công là mức tiền lương của người làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp, được xác định bằng mức lương thấp nhất bình quân của lao động qua đào tạo trong khu vực doanh nghiệp.

Dự kiến mức tiền lương thấp nhất của công chức, viên chức năm 2021 là 4,14 triệu đồng/tháng. Con số 4,14 triệu đồng này là mức lương thấp nhất của công chức, viên chức, tương ứng hệ số 1,86 - trình độ trung cấp trong bảng lương hiện hành, được cho là tăng khá đáng kể so với mức chỉ gần 2,6 triệu đồng hiện nay (với mức lương cơ sở là 1,39 triệu đồng áp dụng từ ngày 1-7 tới đây).

Đây cũng chính là mức tiền tuyệt đối để xây dựng hệ thống bảng lương mới dự định áp dụng thống nhất từ năm 2021, không còn quy định lương theo hệ số, ngạch bậc như lâu nay nữa. Bảng lương mới sẽ được xây dựng theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo.

Cụ thể, sẽ có một bảng lương chức vụ, áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ trung ương đến cấp xã. Và một bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo.

Bảng lương chuyên môn được thiết kế đảm bảo tiền lương tương quan với bảng lương của người giữ chức vụ lãnh đạo và thậm chí có một phần khuyến khích những người làm chuyên môn nghiệp vụ có thể phát triển nhưng không nhất thiết phải đi theo con đường lãnh đạo vẫn có thể tăng lương.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị Trung ương 7 khóa 12
Ban cán sự Đảng Chính phủ trình 2 phương án

Phương án 1: quan hệ lương 1 - 2,34 - 10 hiện hành được mở rộng lên 1 - 2,68 - 12 từ năm 2021, mức lương thấp nhất của công chức, viên chức trong bảng lương mới là 4,14 triệu đồng.

Mức lương của chuyên viên bậc 1 (tương ứng hệ số 2,34 - trình độ đại học hiện nay) là 5,96 triệu đồng (hiện nay chỉ hơn 3,25 triệu đồng).

Mức lương của chuyên gia cao cấp bậc 3 (tương ứng với hệ số 10 hiện hành) là 26,7 triệu đồng (hiện nay chỉ 13,9 triệu đồng).

Phương án 2: quan hệ tiền lương 1 - 2,34 - 10 hiện hành được mở rộng lên 1 - 3 - 15 từ năm 2021, mức lương thấp nhất vẫn là 4,14 triệu đồng.

Chuyên viên bậc 1 sẽ có lương 6,68 triệu đồng, chuyên gia cao cấp bậc 3 sẽ nhận lương là 33,4 triệu đồng.

Nghĩa là lương chuyên viên bậc 1 tăng hơn gấp đôi, lương chuyên gia cao cấp bậc 3 tăng gần gấp 3.

Trong quan hệ tiền lương hiện nay, mức lương thấp nhất đối với nhân viên phục vụ bậc 1 là 1,3 triệu đồng (mức lương cơ sở), mức trung bình của cán bộ, công chức, viên chức chỉ đạt 3,042 triệu đồng (hệ số 2,34) và mức cao nhất như Chủ tịch nước, Tổng Bí thư cũng chỉ là 16,9 triệu đồng (hệ số 13).

Theo bảng lương chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà nước, lương Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ là 16,25 triệu đồng (hệ số 12,5).

Tờ trình cũng quy định chế độ nâng bậc lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Theo đó, đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, mỗi chức vụ có một mức lương. Sau đó cứ đủ 5 năm giữ chức vụ đó (hoặc chức vụ tương đương) thì được hưởng thêm 10%.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ, không giữ chức vụ lãnh đạo, thời gian xét nâng bậc lương thường xuyên là 2 năm/bậc.

Cách trả lương theo cấp bậc, vị trí việc làm này được kỳ vọng giải quyết được các bất hợp lý hiện nay đối với chính sách tiền lương là cào bằng, không kích thích được lao động sáng tạo, không kiểm soát được thu nhập ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Chế độ tiền lương mới cũng có thể khắc phục được một bất cập hiện nay là quá nhiều phụ cấp. Với chế độ mới, tiền lương sẽ là chính, phụ cấp chỉ chiếm phần nhỏ. Cơ chế tiền thưởng theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc cũng sẽ tạo ra quyền chủ động của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong chi trả tiền lương.

Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, mục tiêu của cải cách chính sách tiền lương nhằm đảm bảo đó là thu nhập chính bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình họ, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động.

Hiện đề án vẫn đang được Trung ương xem xét và dự kiến biểu quyết thông qua vào ngày 12/5.

GIANG ĐÔNG(dansinh.vn)

Bán heo lở mồm long móng, bị phạt 50 triệu đồng

Kinh doanh 1 tấn thịt heo bệnh lở mồm long móng tại sạp chợ đầu mối Bình Điền, ông Thoảng bị phạt gần 50 triệu đồng.

Ngày 8/3, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một cá nhân kinh doanh hơn 1 tấn thịt heo nghi ngờ nhiễm bệnh tại chợ đầu mối Bình Điền.
Cán bộ An toàn thực phẩm kiểm tra xe heo trước khi nhập chợ đầu mối. Ảnh: Tuổi trẻ
Người bị xử phạt là ông Bùi Văn Thoảng (sinh năm 1992), ngụ tại tỉnh Bến Tre đang kinh doanh thịt heo tại sạp Phong (H1 179) chợ đầu mối Bình Điền với trọng lượng 1.170 kg, giá trị 46.800.000 đồng.

Tại thời điểm Đội Quản lý An toàn thực phẩm Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền đi kiểm tra, số thịt của ông Thoảng không có dấu kiểm soát giết mổ, các móng chân bong tróc (bệnh tích điển hình của bệnh lở mồm long móng).

Ông Thoảng cũng không có Giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh.

Căn cứ biên bản vi phạm, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã ra Quyết định xử phạt số tiền 47,4 triệu đồng đối với ông Thoảng.

Tình hình dịch bệnh trên heo diễn biến phức tạp trong thời gian qua buộc lực lượng an toàn thực phẩm TP.HCM ráo riết vào cuộc, không để dịch tả heo châu Phi phát tán.

Theo ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, để đảm bảo vấn đề kiểm soát dịch bệnh, lực lượng thú y của TPHCM luôn túc trực 24/24 giờ tại 12 lò mổ trên địa bàn. Hiện nay vùng heo tiêu thụ tại TP chủ yếu đến từ các tỉnh miền đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và một số ít của tỉnh Bình Phước, Tiền Giang, Bến Tre…

Từ 15/2 đến nay, các cơ sở giết mổ của TP đã nhận được yêu cầu không tiếp nhận nguồn heo từ các tỉnh phía Bắc nhằm ngăn chặn dịch tả heo xâm nhập vào TP.

Lực lượng thú y luôn túc trực 24/24h, sau khi kiểm tra giấy tờ sẽ kiểm tra lâm sàng từng xe một, heo mệt phải bắt ra riêng cách ly để giết mổ riêng.

“TP có yêu cầu tất cả các heo giết mổ trong đêm đều phải đưa về lò mổ trước 9 giờ tối để heo có thời gian nghỉ ngơi, đến khoảng 12 giờ - 12 giờ 30 mới bắt đầu giết mổ. Trong quá trình giết mổ, cán bộ thú y có trách nhiệm kiểm tra toàn bộ thân thịt, đầu, lòng, các mạch bạch huyết để phát hiện dấu hiệu bệnh truyền nhiễm, dấu hiệu của tiêm chích trong quá trình nuôi, áp xe… nhằm phát hiện tất cả các con heo có dấu hiệu bệnh tật trước khi đưa vào các chợ đầu mối.

Đối với những heo có biểu hiện bệnh sẽ bị loại trừ, thương lái sẽ bị xử phạt hành chính nghiêm khắc. Đối với thịt heo đạt chất lượng sẽ được đóng dấu, vận chuyển về các chợ đầu mối” - Báo Sài Gòn Giải Phóng dẫn lời ông Huỳnh Tấn Phát khẳng định.

Cúc Phương(baodatviet.vn)

Tiền Giang: Liên doanh 3 nhà thầu trúng gói thầu hơn 111 tỷ đồng

Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Nam Quốc (Bên mời thầu) vừa cho biết, Liên danh Công ty CP Xây dựng đê kè và phát triển nông thôn Hải Dương - Công ty CP Đầu tư và xây dựng Tiền Giang - Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xây dựng Minh Thái đã trúng Gói thầu Thi công xây dựng cống Rạch Sơn, cống Chín Chương, cống Kênh Lộ Cũ, tuyến bờ đê Tây sông Ba Rài.
Ảnh minh họa: Internet
Giá trúng thầu là 111.666 triệu đồng, giá gói thầu là 111.822 triệu đồng, chênh lệch giảm 156 triệu đồng (0,13%). Theo Quyết định phê duyệt của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, Liên danh nhà thầu sẽ thực hiện hợp đồng gói thầu nêu trên trong 8 tháng, loại hợp đồng trọn gói.

Gói thầu nêu trên thuộc Tiểu dự án Kiểm soát và giảm rủi ro do lũ vùng Ba Rài - Phú An, sử dụng 10% vốn đối ứng trong nước và 90% vốn ODA, được đấu thầu rộng rãi trong nước theo phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ. Có 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu, gồm: Công ty CP Xây dựng hạ tầng giao thông thủy lợi Hà Nội, Công ty TNHH MTV Thống Nhất, Liên danh Công ty CP Xây dựng đê kè và phát triển nông thôn Hải Dương - Công ty CP Đầu tư và xây dựng Tiền Giang - Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xây dựng Minh Thái.

Trong Liên danh nhà thầu trúng thầu thì Công ty CP Đầu tư và xây dựng Tiền Giang và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xây dựng Minh Thái có địa chỉ ở tỉnh Tiền Giang, còn Công ty CP Xây dựng đê kè và phát triển nông thôn Hải Dương có địa chỉ ở tỉnh Hải Dương.

Tuấn Dũng(baodautu.vn)

Chia cả nước thành 7 vùng, Long An và Tiền Giang thuộc Đông Nam bộ

Dựa trên bốn phương án nghiên cứu phân vùng tập trung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phân thành 7 vùng thay vì 6 vùng như hiện nay.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Tờ trình về Phân vùng giai đoạn 2021-2030 để triển khai thực hiện Luật Quy hoạch.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết các nhà khoa học đều có ý kiến thống nhất cần phải tiến hành phân vùng lại trong giai đoạn 2021-2030 do phương án hiện nay đã bộc lộ nhiều hạn chế.

Vì vậy, Bộ này đề xuất phân vùng giai đoạn 2021-2030 thành 7 vùng mới gồm: vùng Đông Bắc gồm 7 tỉnh; vùng Tây Bắc gồm 7 tỉnh.

Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh - thành phố.


Vùng Bắc Trung Bộ gồm 5 tỉnh; vùng Nam Trung Bộ (duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên) gồm 11 tỉnh - thành phố.

Vùng Đông Nam bộ gồm 9 tỉnh - thành phố và vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh - thành phố.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, phương án phân vùng này có tính đến các yếu tố thị trường, trong việc phân vùng, đặt tính liên kết vùng cao hơn tính tương đồng về điều kiện tự nhiên, lịch sử, xã hội, dân cư, khắc phục được hạn chế vùng có khoảng cách quá dài.

Đồng thời, phương án này tạo ra không gian phát triển mới, thúc đẩy liên kết nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập hiệu quả.

Việc phân vùng như trên với quy mô vừa phải, khoảng cách giữa các địa phương trong vùng không quá lớn, thuận lợi cho hợp tác, quản lý phát triển.

Tuy nhiên, trong tờ trình này Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết là có một số ý kiến đồng ý với phương án phân thành 7 vùng, nhưng lại kiến nghị xem xét đưa tỉnh Thừa Thiên Huế vào vùng Bắc Trung bộ; đưa Lâm Đồng vào vùng Đông Nam bộ và Thanh Hóa nên đưa vào vùng Tây Bắc, Long An và Tiền Giang đưa vào vùng Đông Nam bộ.

Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị cân nhắc phương án không đưa Tây Nguyên vào vùng Nam Trung bộ hay Lâm Đồng vào Đông Nam bộ.

Đáng chú ý, ngoài hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM thì các ý kiến cũng đề nghị hình thành vùng Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam trở thành vùng động lực phát triển du lịch.

NGỌC AN(tuoitre.vn)

Thưởng Tết 2015: Đã có cá nhân được thưởng Tết 300 triệu đồng

Tính đến ngày 30/12, đã có 390 doanh nghiệp trên địa bàn TP.Đà Nẵng có báo cáo về tiền lương năm 2014, thưởng Tết dương lịch và thưởng Tết Nguyên đán - 2015. Theo đó, doanh nghiệp thưởng Tết thấp nhất là 100.000 đồng và cao nhất là 300 triệu đồng.

Cao nhất 300 triệu, thấp nhất... 100.000 nghìn đồng

Chiều 30/12, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.Đà Nẵng công bố tình hình thưởng tết của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Tính đến ngày 30/12, đã có 390 doanh nghiệp trên địa bàn TP.Đà Nẵng có báocáo về tiền lương năm 2014, thưởng Tết dương lịch và Tết Nguyên đán - 2015. Theo đó, doanh nghiệp thưởng Tết thấp nhất là 100.000 đồng và cao nhất là 300 triệu đồng.

Kế hoạch thưởng Tết năm 2015 của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn TP.Đà Nẵng có mức thấp nhất là 100.000 đồng/người, cao nhất là 300 triệu đồng/người.
Trong đó, với doanh nghiệp 100 vốn nhà nước, tiền thưởng Tết dương lịchthấp nhất là 100.000 đồng/người và cao nhất là 7,6 triệu đồng/người (bình quân 3,7 triệu đồng/người). Tiền thưởng Tết Nguyên đán thấp nhất 500.000 đồng/người và cao nhất là 30 triệu đồng/người (bình quân 7 triệu đồng/người).

Với doanh nghiệp cổ phần có vốn góp nhà nước, tiền thưởng Tết dương lịch thấp nhất là 200.000 đồng/người và cao nhất là 10,8 triệu đồng/người (bình quân 1,4 triệu đồng/người). Tiền thưởng Tết Nguyên đán thấp nhất là 300.000 đồng/người và cao nhất là 300.000 triệu đồng/người (bình quân 11,8 triệu đồng/người).

Đối với doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty cổ phần không có vốn nhà nước, tiền thưởng Tết dương lịch thấp nhất là 100.000 đồng/người và cao nhất là 90,5 triệu đồng/người (bình quân 2,8 triệu đồng/người). Tiền thưởng Tết Nguyên đán thấp nhất là 500.000 đồng/người và cao nhất là 50 triệu đồng/người (bình quân 3,5 triệu đồng/người).

Đối với doanh nghiệp FDI, tiền thưởng Tết dương lịch thấp nhất là 100.000 đồng/người và cao nhất là 25,1 triệu đồng/người (bình quân 497.000 đồng/người). Thưởng Tết Nguyên đán thấp nhất 1 triệu đồng/người và cao nhất là 146 triệu đồng/người (bình quân 10 triệu đồng/người). So năm ngoái, mức thưởng Tết cao nhất tại Đà Nẵng năm nay cao hơn. Năm 2014, mức thưởng cao nhất thuộc về doanh nghiệp FDI là 172 triệu đồng.

Đồng Nai: Một doanh nghiệp chi 190 tỷ để thưởng Tết 2015

Dự kiến Tết Nguyên đán 2015, Công ty Taekwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc) sẽ chi khoảng 190 tỷ đồng để thưởng tết cho công nhân lao động.

Ông Đinh Sĩ Phúc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Teakwang Vina, cho biết công ty hiện có trên 26 ngàn lao động, là doanh nghiệp có đông lao động nhất tại khu công nghiệp Biên Hòa 2. Thu nhập trung bình của người lao động năm 2014 đạt 6 triệu đồng/người/tháng.

Công ty sẽ áp dựng mức lương tối thiểu mới, được áp dụng từ ngày 1/1/2015, thay vì áp dụng mức lương cũ để thưởng cho người lao động. Mức thưởng Tết Nguyên đán 2015 cho mỗi công nhân sẽ là 1,5 tháng lương (tương đương 7 triệu đồng). Tết Nguyên đán năm 2014 trở về trước, mỗi năm công ty chỉ thưởng duy nhất 1 tháng lương bản.

Taekwang Vina là công ty đầu tiên tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2 công khai mức thưởng Tết Nguyên đán 2015 dự kiến cho công nhân.

Ông Phúc cho biết thêm, từ 1/1/2015 tới đây, tất cả công nhân sẽ được tăng lương tối thiểu lên 20%, thay vì chỉ 15,1% như Nghị định 103 của Chính phủ về tăng lương tối thiểu vùng.

Ngoài ra, Công ty Taekwang Vina sẽ hỗ trợ công nhân 50% giá trị vé xe về quê đón tết, không hạn chế số lượng công nhân. Vào ngày 18/1/2015, Công đoàn công ty sẽ tổ chức một chương trình gala ca nhạc để trao quà cho nhân nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Trong khi đó, ông Lâm Duy Tín, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, cho biết sở đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp phải sớm công khai mức lương thưởng tết, thời gian chi trả cho người lao động biết, đồng thời phải báo cáo về sở trong đầu tháng 1.2015. Mức thưởng Tết cho người lao động thấp nhất cũng phải bằng 1 tháng lương cơ bản.

Ngọc Anh (Người đưa tin)

Tỷ phú trẻ làm giàu từ than củi trấu

Từ 2 bàn tay trắng, giờ đây anh Dũng đã thu lãi được 3 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 16 nhân công lao động.

Từng tốt nghiệp khoa Quản Trị kinh doanh tổng hợp của trường Đại học Kinh tế Quốc Dân, có công việc ổn định, thu nhập với mức khá song anh Nguyễn Hữu Dũng ( Bắc Ninh) lại từ bỏ tất cả để quay về quê để lập nghiệp với hai bàn tay trắng.
Anh Dũng đang cầm một sản phẩm than củi trấu hoàn chỉnh
Những quyết định táo bạo

Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Nguyễn Hữu Dũng (làng Mỹ Xuyên - xã Mỹ Hương - Lương Tài - Bắc Ninh) đã có quyết định táo bạo khi rời khỏi sự bao bọc của gia đình để vào Sài Gòn lập nghiệp.

Môi trường làm việc mới, sự cần cù và phấn đấu không ngừng đã cho anh những cơ hội thăng tiến trên con đường sự nghiệp mới.

Làm việc được hơn một tháng tại Sài Gòn, anh Dũng được chuyển ra trụ sở chính của công ty tại Đà Nẵng, gắn bó được một năm anh lại trở về Hà Nội xin làm việc tại một công ty xây dựng.

Tưởng chừng như sự nghiệp của anh Dũng được đặt nền tảng ở đây thì quyết định lần thứ hai của anh khiến cho không chỉ gia đình, người quen mà cả bạn bè đều thấy bất ngờ, đó là khi anh bỏ công việc tốt tại Thủ đô để trở về quê làm giàu với hai bàn tay trắng.

Anh Dũng chia sẻ:” Mình muốn về quê chỉ đơn giản với mục đích làm được điều gì đó cho quê hương và phát triển quê hương mình, để những người nông dân họ bớt khổ hơn” .

Quang cảnh cơ sở sản xuất than củi trấu của a Dũng 
Chia sẻ với chúng tôi, bố anh Dũng - ông Nguyễn Hữu Dụ cho biết: "Bố mẹ muốn con được vào một đơn vị công tác nào ổn định nhưng Dũng chỉ muốn về quê, làm giàu bằng sức của mình".

Những lời bàn tán quanh quyết định về quê làm giàu của anh Dũng không ngừng xôn xao, họ băn khoăn không biết anh Dũng bắt đầu từ đâu và bắt đầu bằng việc gì để có thể làm giàu trên vùng quê nghèo chỉ quanh năm gắn bó với cây tỏi.

Tin tưởng vào con đường mình đã chọn

Sau khi tốt nghiệp được hai năm, anh Dũng không tích lũy được gì, quay trở về quê với hai bàn tay trắng, sự quyết định táo bạo đầu tư máy ép trấu thành củi khiến nhiều người nghi ngờ về tính khả thi.

Đầu tư số vốn ít ỏi bằng cách kêu gọi, vay mượn bạn bè, người thân. Ngay khi gom được số tiền kha khá, anh Dũng đã quyết định vào Huế để mua chiếc máy ép trấu trị giá gần 70 triệu đồng.

Hào hứng với công việc mới đầy thử thách, anh Dũng bắt tay vào quy trình sản xuất trấu ép thành than củi. Nhưng công việc không được suôn sẻ như mong đợi, 50% số sản phẩm trấu ép thành củi đều bị hỏng. Mặc dù đối mặt với khó khăn, thất bại nhưng anh Dũng vẫn quyết tâm đi theo con đường mình đã chọn.

Công việc mới ban đầu chưa quen khiến anh Dũng gặp không ít khó khăn. Có những lần máy hỏng, anh phải thức thâu đêm sửa máy để kịp cho công nhân làm vào buổi sáng hôm sau hay có những khi tay chân lấm lem dầu mỡ, quên ăn quên ngủ vì công việc khá bộn bề, bận rộn.

Anh Dũng cho biết, có buổi máy hỏng phải tháo vòng bi ra sửa hết nửa ngày và những cuộc điện thoại tư vấn xa từ Huế cũng không thể nào giải quyết được sự cố máy móc vấp phải. 

Anh Dũng đã mất công lặn lội đến những cơ sở có mô hình máy ép trấu ngoài Bắc để học hỏi và nhờ tư vấn nhưng mỗi người làm một kiểu khác nhau nên anh cũng không tìm được câu trả lời cho mình. Và cuối cùng anh cũng tự mày mò và khắc phục được máy, cải tạo máy cho phù hợp với nguyên liệu cũng như cơ chế vận hành đạt hiệu quả tối ưu nhất.
Người dân phấn khởi vì có thể kiếm tiền từ việc bán vỏ trấu cho anh Dũng
Chính những khó khăn liên tiếp về máy móc đã tạo động lực cho anh Dũng cải tiến máy ép củi trấu nhưng khi đã nắm bắt được công nghệ, anh lại phải đối mặt với một khó khăn nữa...

Trong vòng 3 tháng tồn kho khoảng 300 tấn củi trấu, tương đương với số tiền là 450 - 500 triệu đồng, anh lại phải đối mặt với bài toán về môi trường tiêu thụ.

Mọi khó khăn đều có thể vượt qua và thử thách cuối cùng để dần tiến tới đích thành công không khiến anh nản lòng. Mỗi ngày anh Dũng đều vượt hàng trăm cây số để đi tới những khu công nghiệp tại những tỉnh lân cận như Nam Định, Hà Nam, Thái Bình,… thuyết phục họ dùng thử nghiệm nguyên liệu mới này.

Để có được sự thử nghiệm dùng nhiên liệu mới than củi trấu này, anh Dũng bắt buộc phải mạo hiểm thêm lần nữa khi cam kết chịu mọi tổn phí cho lần thử nghiệm này.

Và kết quả đã thành công đạt ngoài sự mong đợi. Ông chủ của một cơ sở công nghiệp đã nói với anh Dũng: "Mỗi năm chú sử dụng chất đốt than củi trấu này có thể tiết kiệm đến 2 tỷ tiền nhiên liệu so với sử dụng than đá”.

Tỷ phú trẻ kiếm tiền từ trấu

Chọn cho mình con đường lập nghiệp riêng, ở độ tuổi của anh Dũng có lẽ ít người đạt được sự thành công và vững chãi trong sự nghiệp của mình. Từ một loại phế phẩm từ ngành nông nghiệp mà ta bắt gặp ở mỗi làng quê Việt Nam là trấu, anh Dũng đã biến nhũng thứ bé nhỏ tưởng trừng vô nghĩa trở nên có giá trị kinh tế cao.

Với diện tích 700m2 cùng một chiếc máy ép trấu và sản suất khoảng 200 tấn củi trấu mỗi năm, anh Dũng thu lãi được 3 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 10 lao động chính và 6 lao động thời vụ với mức lương khoảng 3,5 triệu đồng/ tháng.

Hiện tại cơ sở sản xuất của anh Dũng thu mua với giá 500 - 600 đồng/1kg trấu và bán ra thị trường 1.800 đồng/ kg than củi trấu. Việc thu mua trấu này không những giúp bà con có thêm một khoản thu nhỏ mà còn giảm tải ô nhiễm môi trường bởi khói bụi đốt từ trấu.

Cô Hàn Thị Vẻ - người dân Mỹ Xuyên (Mỹ Hương - Lương Tài - Bắc Ninh) cho biết: "Trấu trước kia cũng bị bỏ phí, còn mong người ta lấy cho, có khi toàn cho không. Từ ngày có cơ sở sản xuất của Dũng, thì trấu được thu mua với giá ổn định, bà con không vứt xuống kênh mương hay đốt như trước nữa”

Tháng 9 vừa qua, anh Nguyễn Hữu Dũng vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của lần thứ 9 và tham gia Đại hội doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Ninh lần thứ 3. Dự định trong tương lai, anh Dũng có thể mở rộng cơ sở sản xuất và mô hình sản xuất cà rốt, một phần giải quyết đầu ra cho bà con trồng loại cây này trên chính mảnh đất quê hương.

Theo Minh Trang (Dân Việt)

EVN lãi gần 5.000 tỉ đồng kinh doanh điện

Chiều 30-12, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã công bố giá thành sản xuất điện năm 2014.
EVN lãi gần 5.000 tỉ đồng kinh doanh điện (Hình minh họa)
Theo đó, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2014 là 1.473,8 đồng/kWh. Trong đó, chi phí khâu phát điện là 1.135,57 đồng/kWh, chi phí truyền tải 79,8 đồng/kWh, chi phí khâu phân phổi- bán lẻ là 79,8 đồng/kWh, chi phí phụ trợ-quản lý ngành là 6,47 đồng/kWh. Doanh thu bán điện là 172.903 tỉ đồng. Như vậy, tổng lãi sản xuất kinh doanh điện năm 2014 là 4.938,44 tỉ đồng.

Như vậy, với mức giá thành 1.473 đồng/kWh vẫn thấp hơn so với giá bán lẻ bình quân hiện hành là hơn 1.500 đồng/kWh.
 

© Copyright 2014-2019 Relax Việt

Quản trị Blog: Clip Hài Vui Nhộn
Email:mr_sok164@yahoo.com.vn
Supported by Relax Việt